Sinh hoạt chuyên môn tổ Ngữ văn: Tập huấn chương trình Ngữ văn 2018 chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024

 

1. Mục tiêu tập huấn

- Triển khai cho các giáo viên trong tổ về một số vấn đề trọng tâm trong nội dung tập huấn chương trình Ngữ văn 2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 – 2024.

- Nâng cao chuyên môn của các giáo viên trong tổ Ngữ văn.

- Chuẩn bị tư liệu dạy học; định hướng phương pháp giảng dạy; đề xuất phương hướng hoạt động của tổ Ngữ văn trong năm học 2023 - 2024.

2. Nội dung tập huấn:

2.1. Ngày 7/ 8/ 2023: Tập huấn về kiểm tra đánh giá và triển khai một số vấn đề trong Chương trình Ngữ văn 2018 (lớp 11)

2.1.1. Triển khai tập huấn về kiểm tra đánh giá: Các giáo viên trong tổ báo cáo theo phân công với những nội dung chính như sau:

- Cô Nguyễn Thị Ái Vân – tổ trưởng tổ Ngữ văn – báo cáo quy trình xây dựng đề kiểm tra, đánh giá; đồng thời trình bày một số vấn đề cần lưu ý trong việc xây dựng đề kiểm tra.

- Cô Phạm Thị Thanh Nga báo cáo định hướng kế hoạch kiểm tra đánh giá Chương trình Ngữ văn khối 11 trong năm học 2023 – 2024.

- Thầy Lâm Hoàng Phúc triển khai minh hoạ một đề kiểm tra, đánh giá giữa học kì I.

- Cô Đặng Trần Kim Liên triển khai minh hoạ một đề kiểm tra, đánh giá cuối học kì I.

          Sau phần các phần báo cáo, những thành viên khác trong tổ tiến hành trao đổi, thảo luận để hoàn thiện kế hoạch kiểm tra đánh giá trong năm học 2023 – 2024 ở khối 11; rút kinh nghiệm xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kì. Phần trao đổi, thảo luận tiến đến thống nhất những định hướng cơ bản sau:

- Kế hoạch kiểm tra, đánh giá bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình; đảm bảo độ phủ về mặt thể loại (đọc) và kiểu bài (viết) trong suốt quá trình học; hình thức kiểm tra đa dạng, đảm bảo tính vừa sức cho học sinh.

- Việc xây dựng đề kiểm tra, đánh giá cần đúng với các bước đã triển khai để đảm bảo tính khoa học. Đề kiểm tra đánh giá cần xây dựng dựa trên yêu cầu cần đạt của chương trình.

- Nguyên tắc kiểm tra đánh giá là lấy học sinh làm trung tâm; đánh giá quá trình học tập thay vì chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng; đánh giá vì sự tiến bộ của người học.

Các Thầy Cô tổ Ngữ văn trao đổi về chương trình Ngữ văn 2018 (lớp 11)

2.1.2. Triển khai một số vấn đề trong Chương trình Ngữ văn 2018 ở khối 11: Các giáo viên của tổ chuẩn bị và trao đổi theo các nội dung chính sau:

- So sánh, đối chiếu nội dung dạy đọc hiểu văn bản theo thể loại trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 chương trình 2006 và trong sách giáo khoa chương trình 2018.

- Trao đổi về mục tiêu và định hướng về nội dung, phương pháp dạy học đọc hiểu văn bản thuộc các thể loại như: truyện thơ, truyện ngắn hiện đại, truyện kí; bi kịch; tuỳ bút, tản văn.

- Trao đổi về mục tiêu và định hướng về nội dung và phương pháp dạy học đọc hiểu văn bản nghị luận, văn bản thông tin và một số định hướng về dạy học viết.

2.2. Ngày 8/ 8/ 2023: Tập huấn về kế hoạch bài học Chương trình Ngữ văn 2018 (lớp 11, học kì I).

            Các giáo viên trong tổ báo cáo về định hướng, nội dung, phương pháp của một kế hoạch bài học ở lớp 11 đã được phân công. Cụ thể:

- Bài 1: Thầy Lâm Hoàng Phúc.

- Bài 2: Cô Đặng Trần Kim Liên.

- Bài 3: Cô Kiều Mỹ Lan.

- Bài 4: Thầy Lê Minh Khôi.

- Bài 5: Thầy Nguyễn Thành Luân.

             Ở mỗi bài, sau phần trình bày của báo cáo viên, thầy cô trong tổ tiến hành trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong kế hoạch bài học; rút kinh nghiệm cho việc xây dựng kế hoạch dạy học và triển khai giảng dạy thực tiễn trên lớp. Tổ Ngữ văn thống nhất một số vấn đề trọng tâm sau:

- Kế hoạch bài học được xây dựng bằng việc vận dụng linh hoạt những gợi ý trong công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Việc xây dựng kế hoạch bài học phải dựa trên các yêu cầu cần đạt cụ thể của mỗi bài.

- Việc giảng dạy lấy hoạt động của người học làm trung tâm, dạy học thông qua tổ chức các hoạt động học tập.

- Kế hoạch dạy học phải giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

- Các vấn đề chuyên sâu khác sẽ tiếp tục được trao đổi, bổ sung trong các kì họp chuyên môn tiếp theo.

Các tin khác: